07:38 22/11/2019
Có đến 80% bộ, ngành không muốn tiếp thu ý kiến, thậm chí có bộ trưởng còn gây sức ép với đại biểu khi phát biểu trái với quan điểm của bộ, ngành mình. Lúc muốn đưa vào chương trình lập pháp của QH thì giải trình rất rõ, có khi đấu tranh để được đưa vào, nhưng lúc phải trình thì lại vướng, lấy đủ lý do... Điều đáng nói là những tồn tại này đã lâu mà hệ quả là “tuổi thọ” của luật ngắn, chất lượng xây dựng luật chưa đáp ứng yêu cầu, nhưng rất chậm được khắc phục. Vì thế, nhiều ĐBQH nhấn mạnh, cùng với các đề xuất sửa đổi thì cơ quan có trách nhiệm trong quy trình lập pháp phải nghiêm khắc với nhau.
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang): 80% bộ, ngành không muốn tiếp thu ý kiến
Với tư cách là một ĐBQH đã trực tiếp tham gia tiếp thu, chỉnh lý nhiều dự thảo luật từ đầu nhiệm kỳ đến nay, liên quan đến phương án sửa đổi Điều 74, 75, 76, 77, tôi cho rằng, bản chất của việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật là nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, trong trường hợp tiếp thu thì chỉnh sửa và thể hiện trong dự thảo luật trình QH thông qua. Trong trường hợp không tiếp thu thì sẽ đề cập trong báo cáo giải trình. Thực tiễn thời gian vừa qua, tôi khẳng định, tới 80% bộ, ngành không muốn tiếp thu, khi đó ĐBQH sẽ trở thành người “đi chợ để trả giá”, còn người đưa ra hàng, đồng ý hay không lại thuộc quyền của họ.
Nếu bây giờ QH chọn phương án 1 thì QH đã bị mất quyền kiểm soát hoạt động xây dựng luật.
Việc luật bị bất cập, bị yếu kém, tôi cho rằng có hai nguyên nhân. Một là, yếu tố con người, kể cả cán bộ vụ tha mưu, kể cả ĐBQH. Hai là, một số Ủy ban không mạnh dạn thực hiện kết luận của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu về việc kiên quyết trả lại dự thảo luật không bảo đảm chất lượng. Thực tiễn vừa rồi, tôi thấy, nếu chúng ta chọn phương án 1 thì không nhân danh QH nữa. Tôi đề nghị chọn phương án 2, thực chất là phương án hiện nay.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): Nể nang, hậu quả là “tuổi thọ” luật ngắn
Tôi đề nghị xem xét sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sửa đổi, bổ sung một số điều là không phù hợp. Bởi vì, thực tế trong quá trình Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thẩm tra các dự án luật thấy có rất nhiều vấn đề vướng.
Luật hiện hành có nhiều điều khoản quy định thời hạn 7 ngày, 20 ngày, 30 ngày, 45 ngày. Tuy nhiên, thời hạn trình hồ sơ tài liệu lên UBTVQH hay đến các Ủy ban để thẩm tra hay trình ra QH lâu nay vi phạm rất nhiều. Ví dụ, Luật quy định gửi dự án luật đến các ĐBQH 20 ngày trước kỳ họp nhưng trước 20 ngày không có dự án nào đến tay các đại biểu. Chưa kể quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 75 gửi các tài liệu dự án luật trước 45 ngày đến các Đoàn ĐBQH để nghiên cứu có ý kiến nhưng thực tế có mấy khi được 45 ngày đâu. Thậm chí các dự án luật không những chậm mà còn được bỏ qua luôn những khâu như vậy. Vậy có nên giữ các quy định này nữa không? Nếu cho rằng cần tiếp tục giữ thì phải quy định lại cho chặt chẽ, tránh được việc vi phạm và phải có biện pháp xử lý.
Chúng ta cứ nể nang mà không nghiêm túc với nhau, để lại hậu quả là các dự án luật “tuổi thọ” rất ngắn, không được xem xét kỹ lưỡng nên phải sửa đổi, bổ sung. Thời gian vừa qua, rất nhiều luật mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung. Những quy định về thời hạn chính là để bảo đảm thực hiện quy trình được chặt chẽ và có thời gian để các dự án luật bảo đảm chất lượng. Nhưng quy trình về mặt thời gian không được chấp hành thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của luật.
Vấn đề này cũng liên quan ngay đến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm mà QH vẫn thông qua bằng 1 nghị quyết. Tôi đã từng nói rằng, nghị quyết của QH về việc ban hành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là một nghị quyết không bao giờ được thực hiện một cách nghiêm túc là bởi tình trạng rút ra, lùi thời gian, thậm chí hủy bỏ - có từ lâu rồi nhưng vẫn cứ như vậy mà chúng ta cứ coi việc đấy là việc đương nhiên thì tôi nghĩ rằng không nên. Lý do đưa ra thì muôn hình muôn vẻ, luật nào cũng kêu khó, nói bị sức ép về mặt thời gian. Tôi đã có lần chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Nói chuyện sức ép về mặt thời gian bởi vì khi trình đến Ủy ban Pháp luật để làm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì giải trình rất rõ ràng, đề nghị đưa vào kỳ họp nào, thậm chí đấu tranh để được đưa vào chương trình, nhưng đến lúc phải giải trình thì lại bắt đầu vướng mắc và chưa thể trình được. Đấy cũng chính là một trong những vấn đề chậm ở quy trình. Điều này chúng ta phải nghiêm khắc với nhau.
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp): Phải rõ tiêu chí văn bản ban hành theo thủ tục rút gọn
Việc đặt ra trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành VBQPPL đối với một số trường hợp, trong một thời gian nhất định là cần thiết để góp phần giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoặc kịp thời thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục rút gọn có thể dẫn tới một số hạn chế như sẽ làm mất đi cơ hội có ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động hoặc các quy định chính sách được đánh giá chưa kỹ càng, thận trọng và có thể dẫn tới hạn chế chất lượng của các văn bản. Hệ quả là có những VBQPPL, mặc dù quan trọng nhưng lại được đề xuất xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn nên chất lượng chưa cao. Có trường hợp QH phải quyết định chuyển từ trình tự, thủ tục rút gọn sang trình tự, thủ tục thông thường. Trên thực tế, luật hiện hành chưa quy định cụ thể đối với các trường hợp này nên cả cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đều gặp khó khăn, lúng túng, bị động trong triển khai thực hiện các bước còn lại. Vì thế, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đưa ra những quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn đối với tiêu chí, quy trình xem xét, quyết định VBQPPL được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn để tránh bị lạm dụng và bổ sung thêm quy trình, thủ tục đối với trường hợp ban hành VBQPPL chuyển từ trình tự, thủ tục rút gọn sang thủ tục thông thường và trường hợp chuyển từ quy trình thông qua 2 kỳ họp sang quy trình 3 kỳ họp.
ĐBQH Tạ Minh Tâm (Tiền Giang): Hoàn thiện cơ chế giám sát việc lấy, tham gia ý kiến
Tôi băn khoăn khi báo cáo đánh giá kết quả thực thi luật thời gian qua nhận định cơ chế huy động trí tuệ của nhân dân, xã hội vào công tác xây dựng pháp luật chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả. Nhiều cơ quan chưa coi trọng đúng mức việc lấy ý kiến, việc tiếp thu, giải trình, phản hồi đầy đủ ý kiến của nhân dân, đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản pháp luật. Cách thức lấy ý kiến, phương pháp lấy ý kiến, thời gian gửi hồ sơ, lấy ý kiến, nội dung hồ sơ, tài liệu gửi lấy ý kiến, đối tượng lấy ý kiến... đều nảy sinh nhiều vấn đề phải quan tâm. Tôi đề nghị, Ban soạn thảo rà soát, bổ sung, xác định chặt chẽ trách nhiệm của cơ quan chủ trì lấy ý kiến và cơ quan tổ chức tham gia góp ý về đề nghị xây dựng VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPPL; hoàn thiện cơ chế giám sát việc tổ chức lấy ý kiến, tham gia góp ý kiến và trách nhiệm giải trình, phản hồi của cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan trong quy trình này.
Về xây dựng chính sách và thể chế hóa trong VBQPPL, tôi thống nhất dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 4 Điều: 47, 58, 92 và 121. Nội dung sửa đổi, bổ sung khẳng định, làm rõ hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động thẩm định, thẩm tra đối với từng loại văn bản cụ thể, bảo đảm đầy đủ thống nhất với các quy định luật hiện hành về vấn đề này. Bên cạnh đó, cùng với ý kiến của nhiều ĐBQH tại phiên thảo luận tại tổ, cũng như một số ý kiến đại biểu phát biểu trước tôi, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm các nội dung về vấn đề này bảo đảm quy định chặt chẽ.
Nguyễn Bình; Ảnh: Quang Khánh