08:09 21/11/2019
Thảo luận tại phiên họp toàn thể về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) sáng qua, nhiều ĐBQH ghi nhận những đổi mới mạnh mẽ và cơ chế thông thoáng được đề xuất trong dự luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhấn mạnh, với việc sửa đổi toàn diện lần này, phải tạo ra được động lực mới cho môi trường đầu tư để có thể thu hút được nhiều hơn nữa các nhà đầu tư uy tín trong nước và nước ngoài đến với Việt Nam.
Nhà đầu tư có quyền tin vào những gì đã được Nhà nước xác nhận
Một nội dung rất quan trọng được các ĐBQH đề cập tại phiên họp là vấn đề bảo đảm đầu tư. Các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư và cũng là vấn đề được các nhà đầu tư rất quan tâm khi xem xét quyết định đầu tư. Dự thảo Luật đã có quy định vấn đề này nhưng chỉ mới dừng lại ở trường hợp có thay đổi về chính sách, pháp luật. Theo ĐBQH Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu), thực tế, nhà đầu tư vẫn muốn bảo đảm nhiều vấn đề hơn nữa, trong đó, cần cân nhắc có bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư, bao gồm bảo đảm quyền sở hữu tài sản, bảo đảm việc chuyển tài sản và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm đối với hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cũng dẫn quy định tại Điều 14 dự thảo Luật về điều khoản bảo đảm. Theo đó, chỉ quy định bảo đảm ưu đãi đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật. Tức là, nếu văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi mà nhà đầu tư đang được hưởng thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo quy định của văn bản pháp luật mới. Ngược lại, nếu văn bản pháp luật mới quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án. Tuy nhiên, pháp luật thay đổi không chỉ ảnh hưởng đến ưu đãi đầu tư mà còn ảnh hưởng đến các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư. Vì vậy, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh kiến nghị, cần sửa đổi Khoản 1 và Khoản 2, Điều 14 theo hướng bổ sung quy định về việc nhà đầu tư được bảo đảm quyền lợi hợp pháp khi thay đổi pháp luật thay vì chỉ bảo đảm ưu đãi đầu tư như hiện nay. “Nhà đầu tư có quyền tin vào những gì đã được Nhà nước xác nhận và Nhà nước cần bảo đảm tối đa niềm tin của nhà đầu tư. Ngoài ra, việc củng cố, mở rộng các biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư như trên là phù hợp với quy định của Hiến pháp và các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới, các hiệp định thương mại tự do và các điều ước song phương về đầu tư như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.
Lý tưởng là có điều kiện cụ thể kèm theo
Song song với các cơ chế bảo đảm, bảo vệ nhà đầu tư, từ thực tiễn vừa qua đã có những doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động “chui”, “núp bóng”, chuyển giá, trốn thuế, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên, nhiều ĐBQH cũng chỉ ra những khe hở pháp lý cần “bịt” lại.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nêu thực tế, chúng ta có danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng khi Chính phủ ban hành các điều kiện cụ thể thì “rất nhiều cái lỏng lẻo”. Đại biểu đề nghị, khi thiết lập các điều kiện cho các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì cần xem xét rất kỹ vì có những ngành, nghề phải hạn chế chuyển nhượng ở bên ngoài Việt Nam, hạn chế người nước ngoài sở hữu. Ví dụ như vấn đề kinh doanh nước sạch. Ở những đô thị lớn thì đây là vấn đề an ninh rất hệ trọng. Liệu chúng ta có nên đưa nước sạch vào ngành, nghề kinh doanh có điều kiện với một trong những điều kiện đó là không cho chuyển nhượng ra bên ngoài Việt Nam? Nêu rõ quan điểm không phản đối việc cho tư nhân tham gia vào sản xuất, kinh doanh nước sạch hay cấm việc chuyển nhượng vốn, song ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu rõ, ở một số quốc gia khi xem đó là vấn đề an ninh, người ta sẽ thiết kế luật để có những ngăn chặn các giao dịch chuyển nhượng có tác động đến an ninh quốc gia. Ví dụ, một nhà máy nước cung cấp cho mấy triệu dân nhưng có biết ai làm chủ không? Nếu A chuyển nhượng cho B, B chuyển nhượng cho C... khi tìm xem nhà đầu tư đó là ai thì là một công ty đăng ký ở đảo British Virgin Island - “thiên đường thuế” - là một công ty có khi vốn chỉ có 5.000 - 10.000 USD thôi vì đây là vốn điều lệ. Cho nên không biết người chủ thực sự là ai nhưng nếu là vấn đề an ninh thì phải cảnh giác và đề phòng.
Bày tỏ tán thành với quan điểm này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, ngay buổi sáng, ông nhận được thông tin đã có 5 nhà đầu tư người Thái nắm quyền kiểm soát nhà máy nước sông Đuống, vừa tham gia Hội đồng quản trị vừa tham gia Ban Kiểm soát của nhà máy. “Chúng ta xem nhà đầu tư thực sự có phải để làm dự án kinh doanh phục vụ cho nhân dân theo đúng tư cách của nhà kinh doanh không hay chỉ để thực hiện động tác kiếm lợi nhuận, sau đó dồn lại rủi ro cho người khác, đặc biệt là rủi ro có thể đến với nhân dân hay không?”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, mỗi ngành, nghề có một loại điều kiện thích hợp, cho nên, khi xây dựng, ban hành các điều kiện, Chính phủ phải tính hết sức kỹ lưỡng, trong những tính toán đó phải có tính toán về vấn đề an ninh, quốc phòng. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, lý tưởng là nếu có danh mục các điều kiện kèm theo cho các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì sẽ yên tâm hơn.
Bên cạnh đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng đặt câu hỏi: Một số ngành, nghề chúng ta có quy định chứng minh nguồn vốn hay nhà đầu tư phải cam kết là nguồn vốn hợp pháp không? Lâu nay, chúng ta luôn nói với nhau một điều là hầu như thả nổi việc kiểm tra tính hợp pháp của các nguồn vốn. Lần này, chúng ta đã thống nhất và có nghị quyết của Đảng về việc kiểm soát chặt chẽ đầu tư nước ngoài. Vậy thì, liệu có nên đưa vào một điều kiện là nhà đầu tư nước ngoài phải cam kết hoặc phải chứng minh nguồn vốn đầu tư đó là hợp pháp, nhất là trong những ngành, nghề đầu tư như sân bay, bến cảng hay viễn thông và bất động sản... hay không? Nếu chúng ta phát hiện đó là nguồn vốn không hợp pháp thì có quyền tịch thu nguồn vốn đó.
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng đề nghị cần có cơ chế xử lý, thu hồi các ưu đãi mà nhà đầu tư đã được hưởng nếu không thực hiện đúng các cam kết đầu tư nhằm bảo đảm chặt chẽ và công bằng.
Luật Đầu tư hiện hành được QH thông qua năm 2014 với những cải cách quan trọng đã góp phần bảo đảm thực hiện quyền tự do đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; xóa bỏ nhiều rào cản trong hoạt động kinh doanh, không phù hợp với nền kinh tế thị trường cũng như các cam kết hội nhập của nước ta. Từ đó, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; tạo động lực cho việc thực hiện nhiều cải cách khác trong hệ thống về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra đối với dự Luật Đầu tư (sửa đổi) là phải tiếp nối được tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Luật Đầu tư 2014, xử lý được các vấn đề mới phát sinh trong hoạt động đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm công bằng, minh bạch, sự thống nhất với hệ thống pháp luật, bảo đảm thuận lợi và an toàn cho nhà đầu tư nhưng đồng thời cũng phải chặt chẽ và hiệu quả trong quản lý nhà nước. Nói cách khác, sửa đổi toàn diện Luật Đầu tư lần này phải thực sự tạo ra động lực phát triển mới cho môi trường đầu tư, hay như cách ví von chân thực của ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định): “Đừng để đất nước nghèo đi vì không biết tiêu tiền mà phải giàu lên nhờ biết dùng tiền, nhất là tiền đầu tư”.
Nguyễn Bình