06:50 20/11/2019
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chiều nay, 20.11, nhiều ĐBQH cho rằng, việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước sẽ có tác động lớn đến khối doanh nghiệp. Bởi khi đã là doanh nghiệp nhà nước thì quản lý doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định chặt chẽ hơn nhiều về công tác cán bộ, tổ chức bộ máy, các chính sách cho người lao động như lương, thưởng, các hoạt động đoàn thể…
Đẩy mục tiêu cổ phần hóa đã khó lại còn khó hơn
Khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai), việc dự thảo Luật sửa đổi thay đổi khái niệm DNNN bao gồm các DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là cần thiết, phù hợp với chủ trương và thực hiện các cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, khi mà nước ta đã tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo Hiệp định này, định nghĩa DNNN là doanh nghiệp sở hữu trên 50% vốn hay kiểm soát trên 50% quyền biểu quyết.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Mai Phương cũng lưu ý, việc thay đổi khái niệm có tác động lớn đến khối doanh nghiệp. Khi đã là DNNN thì quản lý doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định chặt chẽ hơn nhiều về công tác cán bộ, tổ chức bộ máy, các chính sách cho người lao động như lương, thưởng, các hoạt động đoàn thể… Đồng thời, cũng có khả năng thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn, ưu đãi về đất đai cũng như các nguồn lực khác. Bên cạnh đó, khái niệm DNNN đã và đang điều chỉnh trong rất nhiều các văn bản luật khác. Do vậy, Chính phủ cần đánh giá kỹ các tác động này và rà soát các văn bản pháp luật liên quan để có các quy định chuyển tiếp, lộ trình thực hiện việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để không để nảy sinh, vướng mắc mâu thuẫn trong quá trình thực hiện khi luật có hiệu lực.
Cho rằng đây là một nội dung rất quan trọng, cần rất thận trọng, các ĐBQH Nguyễn Văn Dành (Bình Dương), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nêu rõ, việc mở rộng đối tượng DNNN sẽ đẩy mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn khỏi DNNN đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Theo ĐB Nguyễn Lâm Thành, tính đến ngày 1.1.2018, cả nước có 1.204 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc mọi cấp độ quản lý và 1.282 công ty có vốn cổ phần nhà nước lớn hơn 50% thuộc mọi cấp độ quản lý. Như vậy, nếu mở rộng tối đa sẽ có khoảng 2.500 doanh nghiệp được gọi là DNNN. Trong khi đó, mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước ta là cổ phần hóa DNNN, nhằm tạo ra loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu, trong đó có đông đảo người lao động để sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản nhà nước và huy động vốn xã hội vào phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo động lực manh mẽ, cơ chế quản lý năng động có hiệu quả cho DNNN, phát huy vai trò làm chủ thực sự của người lao động, của cổ đông và tăng cường sự giám sát của xã hội, bảo đảm hài lơi ích nhà nước doanh nghiệp, người lao động. ĐB Nguyễn Văn Dành đặt vấn đề, mở rộng khái niệm DNNN, thì mục tiêu cổ phần hóa có đạt không, và có làm chùn bước các nhà đầu tư?
Từ những phân tích trên, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành đề nghị, dự thảo Luật nên nghiên cứu, xác định tỷ lệ Nhà nước nắm giữ vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết phù hợp, có thể là 75%, nhằm bảo đảm sự chi phối tuyệt đối của nhà nước trong quyết định các vấn đề quan trọng. Điều này vừa bám sát quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3.6.2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.
Phương án sở hữu trên 50% vốn điều lệ là hợp lý nhất
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, trong quá trình soạn thảo dự án Luật, nhiều phương án khác nhau để xác định tiêu chí doanh nghiệp có cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối của nhà nước đã được ban soạn thảo phân tích và đánh giá kỹ tác động. Ba phương án được đưa ra là trên 35%, trên 50% và trên 65%, trong đó phương án sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết được đánh giá là hợp lý nhất. Vì theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tỷ lệ sở hữu trên 50% vốn góp hoặc cổ phần có quyền biểu quyết sẽ bảo đảm Nhà nước chủ động ban hành đa số quyết định thông thường của doanh nghiệp; đối với quyết định quan trọng, tỷ lệ sở hữu này vẫn bảo đảm quyền chi phối quyết định quan trọng khác của doanh nghiệp.
Nói cách khác, thông qua các quyết định quan trọng luôn đòi hỏi có sự đồng ý của Nhà nước. Ngoài ra, phương án này có mặt tích cực hơn so với phương án khác là tính tương thích của hệ thống pháp luật hiện hành, vì các quy định về giám sát, quản lý doanh nghiệp có phần vốn nhà nước đã và đang tiếp cận với doanh nghiệp có phần vốn nhà nước theo tiêu chí dưới 50%, trên 50% và 100%. Đồng thời, tỷ lệ 50% phù hợp với cách phân loại DNNN theo các Hiệp định thương mại, đầu tư mà nước ta tham gia như CPTPP, các hiệp định thương mại tự do khác...
Hoàng Ngọc