06:08 12/11/2019
Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội lần này không chỉ nhằm mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy, mà còn phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đây là yêu cầu mà các ĐBQH đặt ra khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH tại phiên thảo luận chiều nay, 12.11.
Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), nhìn vào bảng tổng hợp ý kiến thì hiện nay có 9 nhóm vấn đề còn ý kiến khác nhau, cho thấy dự án Luật còn rất ngổn ngang và ĐBQH cũng còn rất nhiều tâm tư xung quanh việc sửa đổi, bổ sung lần này.
Về nguyên lý, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và quan trọng nữa là giúp đáp ứng nhu cầu của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh đề cao quyền lực nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH. Câu hỏi đặt ra là phải chăng sửa đổi, bổ sung lần này chỉ nên thực hiện trong phạm vi một số nội dung đã đề ra hay sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất?. Nêu ra những vấn đề này, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện Luật Tổ chức QH. Trong đó, cần nghiêm túc thực hiện Kết luận 64-KL/TW năm 2013 của Hội nghị Trung ương 7 XI về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động QH, cũng như nâng cao công tác dân vận của Đảng trong các cơ quan dân cử, trực tiếp là ĐBQH.
Còn theo ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), thì các nội dung được sửa đổi, bổ sung lần này mới tập trung vào các vấn đề kỹ thuật mà chưa làm cho QH mạnh lên, thực quyền, thực chất hơn. Nếu dự thảo Luật được thông qua thì dự kiến sang nhiệm kỳ sau mới áp dụng. Lưu ý điều này, ĐB Hoàng Đức Thắng cho rằng, vẫn còn thời gian để tổng kết, đánh giá, xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức QH một cách thấu đáo và căn cơ hơn.
Đồng tình với quan điểm này, các ĐBQH Y Khút Niê (Đắc Lắk), Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), Trần Văn Mão (Nghệ An)... đề nghị xem xét, thông qua dự thảo Luật theo quy trình hai kỳ họp, nhằm có thêm thời gian để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức QH. Như đề nghị của ĐB Trần Thị Hoa Ry là cần nghiên cứu kỹ những vấn đề cốt lõi xung quanh dự án Luật, đặc biệt là những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động thực tiễn của QH, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH nhằm thực sự nâng cao vị thế, vai trò, quyền lực của cơ quan dân cử trên ba lĩnh vực: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhất trí với đề nghị lùi thời gian thông qua dự án Luật tại kỳ họp sau, ĐB Trần Thị Hoa Ry cho rằng, cần thêm thời gian để tổng kết, đánh giá thực tiễn, đặc biệt là những nội dung hiện đang thí điểm và chưa có sự đồng thuận cao, như việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND.
Thanh Chi