01:00 12/11/2019
Thảo luận tại hội trường sáng nay, 12.11, đồng tình với chủ trương triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, đa số ĐBQH khẳng định, đây là công trình quan trọng quốc gia, có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý.
Cần ban hành Nghị quyết mới…
Nhiều ĐBQH tán thành với kiến nghị QH xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua một số nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), căn cứ Nghị quyết số 94/2015/QH13 về chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chính phủ phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của dự án và báo cáo QH thông qua trước khi quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, có sự khác biệt giữa Báo cáo nghiên cứu khả thi với Nghị quyết 94 về việc sử dụng đất đai của dự án và xuất hiện một số nội dung mới, không có trong Nghị quyết 94, như bổ sung hai tuyến giao thông kết nối, điều chỉnh hình thức đầu tư, các hạng mục của dự án...
Với những lý do trên, ĐB Trần Văn Tiến cho rằng, việc QH ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là cần thiết.
Đồng tình với ý kiến này, ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, trên cơ sở pháp lý, tại khoản 1, Điều 2 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp lý quy định rõ, văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan có thẩm quyền đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó. Do đó, QH cần ban hành Nghị quyết mới nhằm giải quyết những vấn đề lớn, cụ thể liên quan đến dự án như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của UBTVQH.
Một số ý kiến khác cho rằng, do Hội đồng thẩm định chưa có báo cáo đầy đủ, chưa làm rõ một số nội dung theo Nghị quyết 94 như tổng mức đầu tư, hiệu quả KT-XH và tài chính của dự án, công nghệ chính, quản lý vận hành, khai thác và đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế chính sách đặc thù nên không có đủ cơ sở và căn cứ để QH xem xét quyết định. Vì vậy, ĐBQH thống nhất với Báo cáo thẩm tra đề nghị QH chỉ xem xét quyết định các đề xuất trong Tờ trình của Chính phủ và những nội dung quan trọng của dự án. Sau khi Hội đồng thẩm định có báo cáo, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định đầu tư dự án giai đoạn 1 theo quy định của pháp luật.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Chính phủ đề nghị QH xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua một số nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Nội dung Nghị quyết gồm: chấp thuận hình thức đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên 1.810 ha; điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha để đất xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung cho nhiệm vụ quốc phòng và dân dụng; chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ số 1 và 2 vào dự án để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.
Cân nhắc kỹ trong chỉ định nhà đầu tư
Việc lựa chọn nhà đầu tư là nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm. Đa số ĐBQH cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu thì việc lựa chọn nhà đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều ý kiến tán thành với việc Chính phủ có chủ trương chỉ đấu thầu trong nước, không mở thầu quốc tế với dự án này, nhằm bảo đảm an ninh - quốc phòng, đồng thời phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư, phát triển.
Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là chủ đầu tư thực hiện ¾ hạng mục chính của dự án, sau đó cho các cơ quan khai thác thuê lại hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý. Riêng hạng mục công trình phục vụ quản lý điều hành bay được đề xuất giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Lý do đề nghị giao trực tiếp cho ACV làm chủ đầu tư hãng mục 1 vì ACV là đơn vị có lợi thế về kinh nghiệm đầu tư và quản lý cảng hàng không, có khả năng chủ động về vốn từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay các tổ chức tài chính quốc tế không cần nhà nước bảo lãnh. Quan trọng hơn việc chỉ định thầu sẽ giúp dự án tiết kiệm được thời gian 1,5 năm do không phải tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư. Như vậy, dự án sẽ sớm được khởi công, kịp tiến độ dự kiến vào năm 2021.
Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề này. ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, theo báo cáo giải trình thì ACV chỉ đáp ứng được 1/3 vốn cho dự án, còn hơn 2,6 tỷ USD phải đi huy động. “ACV là doanh nghiệp nhà nước sở hữu 95% số vốn, nếu có rủi ro gì thì Nhà nước vẫn phải gánh, chứ không thể nói không bảo lãnh thì không có trách nhiệm gì”, ĐB Hoàng Văn Cường nêu rõ.
Cũng theo ĐB Hoàng Văn Cường, chưa thể khẳng định chỉ ACV có kinh nghiệm và khả năng thu xếp vốn mới đầu tư được cảng hàng không. Xét về kinh nghiệm quản lý, điều hành cảng hàng không cũng như nguồn lực tài chính, ACV là đơn vị có nhiều ưu thế vượt trội nhưng không vì thế mà nói rằng không thể tìm được nhà đầu tư tư nhân nào khác có đủ khả năng để thực hiện dự án này. Chúng ta đã có rất nhiều dự án, nhiều thành công được ghi nhận chính từ những nhà đầu tư chưa từng có kinh nghiệm, chưa từng thực hiện những dự án tương tự. Dự án sân bay Vân Đồn là một ví dụ điển hình. Đó là dự án cảng hàng không đầu tiên được thực hiện với nguồn vốn hoàn toàn của tư nhân, thời gian đầu tư ngắn, tổng mức đầu tư không cao nhưng được trang bị kỹ thuật hiện đại, quy trình vận hành chuyên nghiệp vừa được bình chọn là sân bay mới của khu vực.
ĐB Hoàng Văn Cường đề nghị, Chính phủ nên kêu gọi các tập đoàn tư nhân có năng lực, có mong muốn, nguyện vọng được cùng tham gia đầu tư. Dưới sự điều hành của Chính phủ, cầu nối dẫn dắt của ACV, ĐB cho rằng sẽ thu nhận được các sáng kiến và sức mạnh vô biên đầu tư cho Long Thành. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tuyển chọn đơn vị tư vấn tốt thiết kế thật chi tiết, hiện đại, chuẩn xác từ khâu khảo sát, thiết kế kỹ thuật đến khâu tính toán tổng mức đầu tư với các giải pháp kỹ thuật tốt nhất, hiện đại nhất, mang tính ổn định cao nhất với dự án này. Chính phủ cũng cần chủ động quy hoạch để phát triển khu vực Long Thành trở thành trung tâm kết nối trong khu vực, tránh để phát triển tự phát.
Xem xét cơ chế đặc thù cho Dự án hồ chứa nước Ka Pét
Thảo luận tại Hội trường về dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, nhiều ĐBQH tán thành với chủ trương đầu tư dự án này.
ĐBQH Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho biết, qua khảo sát thực tế, Hàm Thuận Nam là huyện khô hạn thường xuyên của Bình Thuận, nguồn nước mặt hàng năm được khai thác chủ yếu từ ba con sông gồm sông Phan, sông Mương Mán và sông La Ngà. Nguồn nước này phân bố không đồng đều trong năm, vào mùa mưa lượng nước trên các sông rất lớn, gây ra lũ lụt, trong khi vào mùa khô nước sông cạn kiệt, gây khó khăn trong việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của nhân dân trong huyện. Việc xây dựng hệ thống các hồ chứa nước là vấn đề cần được quan tâm nhằm điều tiết nguồn nước, đáp ứng nhu cầu về nước cho sản xuất và sinh hoạt. Đặc biệt là việc cấp nước sinh hoạt cho trung tâm Thị trấn Thuận Nam và cấp nước cho cây trồng chủ lực là cây thanh long về mùa khô. Do vậy, nếu được đầu tư xây dựng, hồ chứa nước Ka Pét sẽ là một trong những công trình quan trọng có tính quyết định đối với việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho địa bàn Hàm Thuận Nam, phục vụ phát triển KT-XH của địa phương.
ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, dự án hồ chứa nước Ka Pét là công trình đa mục tiêu, không chỉ cấp nước tưới cho 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam, cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II, tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết, góp phần giảm lũ, điều tiết nước cho vùng hạ du (gồm huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết), tăng dòng chảy trong mùa khô, mà còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của Bình Thuận.
Một số ý kiến khác cho rằng, dự án có nguồn vốn đầu tư thuộc nhóm B (mức đầu tư thấp), chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước; hạng mục xây dựng công trình không phức tạp (công trình cấp II), phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của Bình Thuận. Do vậy, đề nghị QH cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt trong tổ chức thực hiện dự án nhằm giảm bớt một số thủ tục hành chính.
Tin: Thanh Chi Ảnh: Quang Khánh